Hôm nay trong talkshow “Văn hoá doanh nghiệp thời chuyển đổi số”, tôi đã đặt một câu hỏi liên quan đến việc “kinh nghiệm nào để có thể xin ngân sách cho các sự kiện nội bộ, hoạt động văn hoá nội bộ?”
Tôi không đứng trong góc nhìn cá nhân để đưa ra câu hỏi này, mà thực tình trong hội trường với gần 300 anh chị và các bạn làm về truyền thông nội bộ, tôi nghĩ mọi người đều cần đến câu hỏi như vậy, hoặc chí ít là cũng đã nhiều vướng mắc khi triển khai các kế hoạch tâm huyết của mình.
Có thực mới vực được đạo!
Tất cả các tham vấn, nghiên cứu, đề xuất, kế hoạch,… đều chỉ là lý thuyết hoặc đều không thể đạt được hiệu quả nếu những con người làm Truyền thông/ văn hoá nội bộ doanh nghiệp không thể xin được ngân sách từ ban lãnh đạo của mình.
Kinh nghiệm thực tế với 20 năm làm các sự kiện nội bộ doanh nghiệp, tôi gần như tháng nào cũng gặp các khách hàng với cùng một thông tin ngắn gọn khi trao đổi về báo giá: “Ngân sách bên mình dành cho dự án/ sự kiện này rất thấp, các bạn cân đối giúp để sự kiện vẫn đạt được các hiệu quả như kế hoạch đã trình bày với lãnh đạo”.
Và khi đã chấp nhận chạy sự kiện nội bộ cho khách hàng, cả team chúng tôi lại cùng các bạn làm truyền thông nội bộ của khách lại vắt óc suy nghĩ, nâng lên đặt xuống, giật gấu vá vai, cắt xén để đút vừa vào cái “khuôn ngân sách” đó.
Chương trình rồi cuối cùng cũng được triển khai, nhưng đâu đó đều xen kẽ với các tiếc nuối “nếu có thêm tiền thì…/ nếu được duyệt thêm phần này thì….”
Khi ngó sang các sự kiện Marketing, các bạn làm truyền thông nội bộ đều khóc ròng và buồn tủi. Vẫn biết là các hoạt động hướng đến khách hàng, hướng đến bên ngoài, quảng bá thương hiệu ra bên ngoài thì công ty sẽ cần làm nhiều về hình ảnh, nhưng nếu so sánh ngân sách cho 2 sự kiện bên trong và bên ngoài cùng quy mô của nhiều doanh nghiệp bạn sẽ thấy một sự chênh lệch đến phi lý.
Hầu hết core value của các doanh nghiệp đều đề cao nguồn nhân lực cũng như văn hoá doanh nghiệp, nhưng sự đầu tư cho mảng này trong nhiều doanh nghiệp đang còn rất bị coi nhẹ. Cứ khi gặp khó khăn, khi cần cắt giảm ngân sách, điều đầu tiên các lãnh đạo nghĩ đến là các hoạt động dành cho nội bộ.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp không phải là một trend, mà là một việc làm tất yếu, yếu tố sống còn của toàn bộ các doanh nghiệp.
Nhưng chuyển đổi số không thể chỉ làm phần ngọn như mua một phần mềm/ nền tảng công nghệ và ném vào guồng máy sẵn có, mà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số trong chính những con người, bộ máy nhân sự, văn hoá nội bộ của tổ chức mình để có thể đưa tập thể thành một doanh nghiệp số toàn diện.
Cảm ơn Elite PR School đã tổ chức một sự kiện thật ý nghĩa dành cho những con người làm truyền thông nội bộ và công tác nhân sự. Biết còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi tin rằng những nút thắt được gợi mở trong buổi talkshow đã phần nào giúp các anh chị/ những chiến binh mang trọng trách này có được những hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp của mình.
Theo dõi https://culi.net.vn/ để tìm hiểu thêm những chia sẻ về cuộc sống khác nhé!